Vận tải biển ra đời khá sớm so với các phương thức vận tải khác. Ngay từ thế kỷ thứ V trướ...

Nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, chúng tôi đã thành lập một bộ phận chuyên trách ...

Vận tải đường bộ là phần không thể tách rời khỏi dây chuyền cung ứng dịch vụ giao nhận kho...

Công ty TNHH tiếp vận Liên Minh (Union logistics co.,ltd) nhận làm bộ chứng từ, khai ...

Với hệ thống kho bãi rộng gần 1,000 m2 ở cảng Hải Phòng, UNION LOGISTICS sẵn sàng đ...

Bản In

Dịch vụ logistics: yếu toàn diện!

Thông tin tại hội thảo về phát triển dịch vụ logistics (*), do Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam phối hợp với báo Thương mại tổ chức cuối tuần qua, cho thấy khả năng đánh mất thị trường nội địa của doanh nghiệp logistics Việt Nam là không nhỏ.


Mở đầu cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự nói rằng các doanh nghiệp dịch vụ logistics sắp tới sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn, khi Việt Nam thực hiện cam kết mở cửa thị trường dịch vụ này cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông nói: “Trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta đã cam kết cho nước ngoài được thiết lập ngay các doanh nghiệp liên doanh, với tỷ lệ góp vốn 49-51%, để thực hiện kinh doanh các dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi... Ba năm sau, tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài sẽ tăng lên và họ có thể thiết lập các công ty 100% vốn sau 5-7 năm”.


Nhiều năm qua, ngành dịch vụ logistics được Chính phủ bảo hộ khá kỹ thông qua các biện pháp ngăn chặn doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước. Ông Tự khuyến cáo, khi hội nhập, Nhà nước sẽ không thể can thiệp để trợ giúp doanh nghiệp như lâu nay, vì vậy tồn tại và phát triển được hay không tùy thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng cạnh tranh của từng đơn vị. Tuy nhiên, theo thông tin của các diễn giả trình bày tại hội thảo, ngành logistics Việt Nam gần như yếu toàn diện. Thực trạng đó đặt ngành này trước viễn cảnh không mấy sáng sủa, khi phải đối đầu trực tiếp với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong tương lai gần.


Việt Nam hiện có khoảng 600 doanh nghiệp logistics, một con số không nhỏ so với các quốc gia trong khu vực. Nhưng theo ông Vũ Xuân Phong, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas), Viện Nomura (Nhật) đánh giá các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng được khoảng một phần tư nhu cầu thị trường nội địa. Chênh lệch trình độ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khá lớn. Ông nói: “Giá cả dịch vụ tại Việt Nam tương đối rẻ, nhưng không chắc chắn và thiếu độ tin cậy, thêm vào đó sự kém phát triển của các doanh nghiệp địa phương làm cho ngành khó chiếm lĩnh được thị trường”.


Hầu hết doanh nghiệp logistics chỉ có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Đã vậy, giữa các doanh nghiệp lại không hợp tác được với nhau dẫn đến tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. Ông Nguyễn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Kho vận miền Nam (Sotrans), cho biết: “Các doanh nghiệp chẳng những không liên kết, mà thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh với nhau”. Bà Phạm Tú Anh (Công ty Vinatrans) nói thêm: “Hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ khá manh mún, chụp giựt và hạ giá để lôi kéo khách hàng, trong khi chất lượng dịch vụ thì không rõ ràng, tạo nên những tiền lệ xấu trong hoạt động logistics”.


Trong thực tế, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới đóng vai trò như những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, như đảm nhận việc khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi... Chưa có doanh nghiệp nào đủ sức tổ chức, điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics. Bà Tú Anh lấy ví dụ của APL mà bà cho là điển hình về hoạt động logistics: “Dịch vụ mà APL đang cung cấp cho hãng quần áo nổi tiếng The Children Places bao gồm từ quản lý các đơn hàng do The Children Places phân phối cho các đơn vị gia công, theo dõi quá trình sản xuất để thu xếp việc giao nguyên, phụ liệu đến các nhà máy cho đến điều tiết, vận chuyển thành phẩm đến các địa điểm giao hàng trên toàn thế giới theo yêu cầu của khách hàng”.


Để đạt được trình độ như trên, doanh nghiệp logistics phải tổ chức và điều hành được mạng lưới đủ rộng, cộng với sự trợ giúp của công nghệ thông tin để có thể quản lý chặt chẽ toàn bộ quy trình của sản phẩm dịch vụ. Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân làm cho dịch vụ logistics của nhiều doanh nghiệp cung cấp thiếu tin cậy là do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin kém.


Một điểm yếu quan trọng khác của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và hiểu biết luật pháp quốc tế. “Ngoài luật pháp Việt Nam, các công ty logistics nhất thiết phải am hiểu sâu sắc và vận dụng hiệu quả luật pháp, tập quán thương mại quốc tế. Với trình độ nguồn nhân lực và điều kiện phát triển như hiện nay, có thể nói đây là khó khăn lớn cho ngành logistics Việt Nam”, ông Nguyễn Hùng nhấn mạnh.


Năm 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 73 tỉ đô la Mỹ. Ông Lương Văn Tự dự báo, trong 10 năm tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt tới 200 tỉ đô la Mỹ/năm. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam còn khá lớn.


Nhà nước tuy không thể tiếp tục bảo hộ, nhưng vẫn có thể giúp ngành này phát triển, chiếm lĩnh được thị trường nội địa, thông qua việc đầu tư cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, điều chỉnh hành lang pháp lý để tránh tình trạng chồng chéo, gây ra những ách tắc không đáng có cho hoạt động của doanh nghiệp.


Một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành dịch vụ này là hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Các trục đường bộ không được thiết kế đúng tiêu chuẩn để có thể kết hợp tốt giữa các phương thức vận tải bằng đường biển, đường sông, đường bộ và hàng không. Chẳng hạn các quốc lộ chỉ được thiết kế cho xe tải trọng không quá 30 tấn lưu thông, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, trọng lượng một container 40 feet đầy hàng đã lên đến 34,5 tấn.


Như vậy, để có thể lưu thông trên đường, doanh nghiệp buộc phải san hàng sang container khác, làm tăng chí phí và mất thời gian.


Ngoài ra, logistics là loại hình dịch vụ tổng hợp, quá trình hoạt động có liên quan đến sự quản lý của nhiều bộ, ngành như: giao thông vận tải, thương mại, hải quan, đo lường và kiểm định... Việc mỗi bộ ban hành một quy định riêng nhưng không đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau, cộng với việc cấm xe tải ở các thành phố lớn đã gây ra những trở ngại không nhỏ cho ngành logistics.


Các nhà doanh nghiệp dự đoán, trong tương lai không xa dịch vụ logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Hơn nữa, sự phát triển của dịch vụ logistics còn tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.          


(*) Có nhiều định nghĩa về logistics, nhưng tựu trung logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả luồng lưu thông và khối lượng tồn kho của hàng hóa cùng với những thông tin có liên quan, từ nơi xuất phát hình thành nên hàng hóa cho đến điểm tiêu thụ cuối cùng.